Ung thư miệng là tình trạng các mô ung thư phát triển trong khoang miệng. Giống như các bệnh ung thư khác, việc phát hiện sớm ung thư miệng có ý nghĩa quan trọng trong việc chữa trị. Nguy cơ gây ra ung thư miệng Nguy cơ ung thư miệng sẽ tăng cao theo tuổi […]
Ung thư miệng là tình trạng các mô ung thư phát triển trong khoang miệng. Giống như các bệnh ung thư khác, việc phát hiện sớm ung thư miệng có ý nghĩa quan trọng trong việc chữa trị.
Nguy cơ gây ra ung thư miệng
Nguy cơ ung thư miệng sẽ tăng cao theo tuổi tác. Những yếu tố nguy hiểm khác là hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều hơn ba loại đồ uống có chứa chất cồn mỗi ngày và tiếp xúc với tia tử ngoại quá mức. Bất kỳ căn bệnh ung thư ở đầu hoặc cổ nào cũng sẽ khiến người bệnh có nguy cơ mắc ung thư miệng.
Ung thư miệng là tình trạng các mô ung thư phát triển trong khoang miệng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu còn cho thấy virus HPV (một loại siêu vi trùng dạng DNA rất hay lây, có khả năng gây nhiều chứng bệnh từ nhẹ đến trầm trọng) cũng là nguyên nhân trong một số trường hợp ung thư miệng lây nhiễm thông qua việc quan hệ tình dục bằng đường miệng.
Biện pháp ngăn ngừa ung thư miệng
1. Luôn đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng thường xuyên. Khoang miệng không sạch sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch cũng như khả năng phòng chống các căn bệnh ung thư.
2. Không hút thuốc lá. Hãy từ bỏ thuốc lá trong mọi tình huống nếu bạn muốn bảo vệ sức khỏe.
3. Sử dụng thức uống có cồn điều độ, tuyệt đối không chè chén say sưa. Nguy cơ ung thư miệng càng tăng cao theo lượng chất cồn được tiêu thụ và thời gian sử dụng chúng.
4. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cho môi, đặc biệt là môi dưới. Do đó, hãy tập thói quen sử dụng loại son dưỡng môi có khả năng ngăn ngừa tia tử ngoại khi đi ra ngoài.
5. Tập thể dục thường xuyên. Một lối sống năng động sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, đánh bại bệnh ung thư.
6. Tăng cường thêm những thực phẩm có khả năng phòng chống ung thư trong khẩu phần ăn uống. Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ khuyến cáo nên ăn nhiều các loại đậu, dâu, rau thuộc họ cải như bắp cải, bông cải xanh, rau có lá đậm màu, hạt lanh, tỏi, nho, trà xanh, đậu nành và cà chua vì khả năng phòng ngừa ung thư của chúng. Bác sĩ Lewei Zhang, giáo sư khoa Y sinh của trường ĐH British Columbia (Mỹ) cho rằng: “Hiện nay, những ảnh hưởng của chế độ ăn uống và chất dinh dưỡng đối với việc ngăn ngừa ung thư đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt”.
7. Cách chế biến thực phẩm cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Thay vì chiên hay nướng vỉ, bạn nên nấu thức ăn bằng cách nướng lò, luộc hoặc hấp. Để tăng mùi vị cho món ăn, hãy sử dụng những loại gia vị có ích cho sức khỏe như tỏi, gừng và bột cà ri.
8. Thường xuyên đến phòng khám nha khoa để kiểm tra răng miệng (ít nhất sáu tháng một lần) và có thể yêu cầu nha sĩ thực hiện các xét nghiệm về ung thư miệng.
9. Tự kiểm tra sức khỏe răng miệng mỗi tháng một lần. Hãy thực hiện thói quen kiểm tra răng miệng cùng lúc với việc tự khám ngực mỗi tháng. Chỉ mất khoảng vài phút nhưng thói quen này sẽ rất có ích cho sức khỏe của chính bạn. Mua một chiếc gương cầm tay để soi vào những vị trí khó nhìn thấy, kiểm tra thật kỹ phần bên dưới và hai cạnh của lưỡi. Nếu nhìn thấy hoặc cảm thấy nghi ngờ điều gì như có khối u, bướu, những chỗ bị đau khi chạm vào, các nốt trắng, đỏ hay xám trong khoang miệng… bạn cần đến nha sĩ để kiểm tra ngay.